Maslenitsa
Đã bao giờ quý vị sống ở một nơi mà suốt sáu tháng là mùa đông chỉ toàn tuyết trắng? Đã bao giờ bạn phải sống ơ ûmột nơi mà hàn thử biểu tụt xuống hơn 20 độ am dưới không với những cơn bão tuyết quất vào mặt lạnh cóng không còn cảm giác? Đã bao giờ cả tháng trời bạn chẳng hề được nhìn thấy một tia nắng mặt trời?
Nếu đã từng sống một quãng thời gian dài lạnh lẽo và âm u như vậy, thì quy vi sẽ hiểu được tại sao người Nga lại chào đón mùa xuân long trọng đến thế, suốt cả một tuần lễ họ tiễn đưa mùa đông thật hậu hĩnh để ông già Tuyết đừng nấn ná ở lại thêm nữa, và mùa xuân có thể tiếp quản thiên nhiên thật nhanh, với mặt trời vàng óng, ngọt ngào và nóng hổi như chiếc bánh bột mỳ rán Blin của họ. Tuần lễ hội hè đặc biệt để tiễn đưa mùa đông ở Nga có tên là Maslenitsa.
Lễ Maslenitsa đã xuất hiện ở Nga từ hàng ngàn năm trước, là ngày lễ để thờ thần mặt trời. Trải qua thời gian, ngày lễ này dần dần đã mang thêm cả ý nghĩa của Chính thống giáo, vừa mang ý nghĩa của các truyền thống gia đình để tưởng nhớ tới những người đã mất và cũng là một ngày hội của dân chúng hết sức vui nhộn với rất nhiều nghi thức cổ truyền đặc sắc. Có thể nói, Maslenitsa là đợt lễ hội chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc trưng nhất của người Nga, cũng như ngày lễ Сarnaval của người Ý hay người Brasil. Lễ Maslenitsa, không đơn giản là một ngày lễ hội, mà nó là một thời điểm quan trọng của thiên nhiên và con người: thời điểm kết thúc mùa đông, bắt đầu mùa xuân đối với thiên nhiên, thời điểm chuẩn bị cả thân và tâm để bước vào thời kỳ Đại trai đối với con người. Chính vì thế từ năm 2002, chính quyền Moskva đã cho tổ chức những ngày lễ Maslenitsa hết sức rầm rộ, có tính quy mô cho cả thành phố, vừa để xây dựng lại bầu không khí văn hóa cổ truyền, vừa để thu hút khách du lịch đến Nga ngay cả vào những ngày còn lạnh lẽo của mùa đông.
Maslenitsa kéo dài suốt một tuần lễ. Nó là tuần lễ cuối cùng, trước khi bước vào kỳ Đại trai 40 ngày trước ngày Phục sinh mỗi năm. Trong suốt cả tuần lễ Maslenitsa, những ai theo Chính thống giáo sẽ không ăn thịt, nhưng vẫn còn được ăn các sản phẩm của sữa và bột mỳ, sữa, bơ, pho mát nên tuần lễ này mới có tên là Maslenitsa- nghĩa là phủ bơ, láng bóng như bơ.
Trong tuần lễ Maslenitsa này, người ta ăn chủ yếu các loại bánh làm từ bột mỳ: bánh bột mỳ rán, bánh nướng với mật ong đủ loại. Nhưng đặc biệt nhất, không thể thiếu trong những ngày lễ này là bánh bột mỳ rán tên là Blin. Những chiếc bánh mỏng tang, nóng hổi tròn như mặt trời, được ăn với các loại mứt, mật ong, ngầy ngậy, vừa có vị ngọt, vừa có vị mặn rất đậm đà. Những chiếc bánh này là biểu tượng của mặt trời, nên ở gia đình nào người ta cũng làm thật nhiều, ăn thật nhiều với mong ước là mùa xuân và mùa hè sẽ đến với những ngày nắng ấm đẹp đẽ và khô ráo.
Bẩy ngày trong tuần lễ Maslenitsa, mỗi ngày đều có một cái tên riêng, với những phong tục hết sức thú vị. Ngày thứ hai có tên là “Gặp mặt”. Đây là ngày đầu tiên của lễ hội. Nó mang tính chuẩn bị cho cuộc vui. Người ta dựng những lâu đài bằng tuyết và băng, làm những đường trượt băng, đu quay... chuyẩn bị cho nhiều trò chơi mùa đông vui nhộn sẽ diễn ra trong suốt cả tuần lễ sắp tới, nhưng một việc quan trọng không thể quên của lễ hội là được ăn thật no, nên bên cạnh các sân chơi là những dãy bàn dài cùng những quầy bán những món bánh ngọt thơm phức với những chiếc ấm samovar luôn sẵn sàng nước nóng cho mọi người uống chè.
Bao nhiêu thế kỷ qua, người Nga vẫn tin rằng, ai không vui chơi hết mình những ngày lễ Maslenitsa, không trượt như bay từ những núi tuyết xuống, không đánh mình tung bay trên những chiếc đu, không cười đùa thỏa thuê trong lễ hội thì cuộc đời sẽ phải sống trong cay đắng, về già lúc lâm chung sẽ phải nằm trong bệnh hoạn.
Các gia đình giầu có đã bắt đầu làm bánh Blin từ ngày đầu tiên của lễ hội. Các gia đình nghèo không có điều kiện thì chỉ bắt đầu làm bánh từ thứ năm đến hết chủ nhật.
Thời xưa, khi xã hội còn nghèo, người Nga có phong tục tặng chiếc bánh Blin đầu tiên cho người nghèo, hay đặt lên bệ cửa sổ để tưởng nhớ đến hương hồn bố mẹ, người thân đã quá cố. Người Nga coi việc chuẩn bị và làm bánh Blin vào những ngày Maslenitsalà một thứ nghi lễ thật thiêng liêng như người Việt mình coi trọng việc làm bánh chưng vào ngày Tết.
Ngày thứ ba mang tên là “Khai hội”. Tất cả mọi trò vui bắt đầu. Tất cả mọi màn trình diễn cũng bắt đầu làm người ta cười đến tức bụng, giữa mùa đông, mà má ai cũng hồng như hai trái anh đào vì những trò chơi nối tiếp nhau, hối hả, giục giã.
Ngày xưa Maslenitsa cũng là dịp để các chàng trai cô gái gặp gỡ tìm hiểu nhau, cùng nhau tham dự những trò chơi, để rồi đến cuối lễ hội, nhiều đôi trai gái đã kịp bén hơi nhau, quyết định cùng nhau nên nghĩa vợ chồng ngay sau kỳ Đại trai. Trong những ngày lễ hội các bà mối là bận rộn nhất, họ đi từ nhà nọ đến nhà kia đưa tin hay ướm ý các cô gái, mời họ đến tham dự các cuộc chơi. Có lẽ giờ đây giới trẻ ở Nga đã không cần mượn ngày lễ Maslenitsa để gặp gỡ và đi tìm người yêu. Nhưng những cuộc chơi bất tận và vui vẻ thoải mái của tuần lễ này vẫn là nơi họ tụ hội, rủ nhau đi rất đông. Và chắc chắn những giây phút trong lễ hội này sẽ gắn họ lại với nhau chặt hơn, đằm thắm hơn.
Thứ tư mang tên “Người hảo ngọt”. Cái tên ngày lễ cũng đủ cho ta thấy, mục đích quan trọng nhất của ngày lễ này là....ăn đến vỡ bụng bánh Blin và các loại bánh ngọt khác. Theo phong tục, vào ngày lễ này, các bà mẹ vợ phải mời tất cả các chàng rể đến đãi một bữa thật là thịnh soạn. Ngày xưa các gia đình Nga cũng sinh rất nhiều con, có nhiều gia đình đã khánh kiệt vì một bữa cỗ..bể bụng này. Cũng may là đang kỳ ăn chay, cỗ chỉ có một món bánh bột mỳ rán làm chủ đạo thôi đấy, chứ nếu cỗ bàn giết lợn mổ gà như người Việt mình thì chắc nhiều gia đình đã không dám...cho con gái đi lấy chồng nữa.
Trong ngày lễ này, các bà các cô được phép...bỏ các đức ông chồng ngồi nhà một mình để cùng nhau tụ tập chuyện trò, cùng hát những bài dân ca và ca ngợi công ơn của các bà mẹ vợ.
Nếu ở Việt Nam người ta thường nói đến những bất đồng giữa nàng dâu và bà mẹ chồng, thì ở Nga, người ta lại thường nói đến cái bất hòa giữa chàng rể và bà mẹ vợ. Có lẽ vì các chàng rể Nga thường chấp nhận..”chui ngầm chạn” nhiều hơn, và thường bị các chòm sao “sợ vơ” chiếu mạng, nên các bà mẹ vợ vì thế thường được thể mà quát nạt các ông con rể.
Bước sang ngày thứ năm, lễ Matslenitsa đã bước sang phần đại lễ. Bắt đầu từ hôm đó đến ngày chủ nhật cuối tuần, nông dân đã nghỉ ở nhà không phải đi làm nữa, đã có thể tham gia mọi trò vui từ sáng tới chiều. Ngày thứ năm vì thế còn gọi là ngày “Dạo chơi”.
Khắp các đường phố, công viên người ta tổ chức các trò chơi, trượt tuyết, đu quay, diễn kịch, hát dân ca, nhẩy những điệu dân gian, và không thể thiếu những nhân vật trong truyền thuyết như các chú hề, chàng Ivan ngốc nghếch, những chú gấu cong lưng nhẩy lắc lư theo tiếng nhạc, tiếng đàn Balalaika. Khắp nơi vang lên những tiếng hát, tiếng đàn và tiếng cười thật vui vẻ.
Trong ngày thứ năm, người ta đã bắt đầu làm các bà bù nhìn bằng rơm với kích thước to bằng hoặc to gấp hai người thật, trang điểm cho các bù nhìn thật lộng lẫy, với váy áo, khăn sặc sỡ của các bà. Mà không hiểu sao, các bà bù nhìn dù được trang điểm kỹ càng đến đâu, váy áo tươm tất đến đâu, nhìn ra cũng vẫn chỉ là một bà già sặc sỡ. Có lẽ như thế mới hợp với niềm vui người ta hân hoan được tiễn đưa bà ra đi, như mùa đông đã đến đoạn cuối, không còn đâu vẻ tinh khôi như những bông tuyết buổi đầu, không còn đâu sự ngọt ngào như những đợt băng giá buổi đầu. Cũng như bánh Blin tượng trưng cho mặt trời và là một biểu tượng không thể thiếu của Maslenitsa, các bà bù nhìn tượng trưng cho mùa đông mà người ta đang muốn tiễn đưa. Người ta trang trí các bù nhìn thật đẹp, múa hát những bài hát thật vui, lại còn tìm ra thật nhiều trò vui của mùa đông để chơi suốt mấy ngày liền, rồi mới tiễn đưa mùa đông ra đi để dẫu mùa đông phải ra đi mà không ...tủi thân là bị người ta ghét bỏ.
Ngày thứ sáu gọi là ngày “Bố, mẹ vợ”. Nếu vào ngày thứ tư các ông bố, bà mẹ vợ phải tổ chức đón các ông con rể thật hậu hĩnh, thì đến ngày thứ sáu, để đáp lễ các ông con rể phải mời bố, mẹ vợ về lại nhà mình để đãi lại một chầu bánh Blin thật no nê cùng với các loại bánh ngọt mà bà mẹ vợ yêu thích. Thời xưa, các chàng rể không phải chỉ đơn giản nhấc điện thoại lên là mời được bà mẹ vợ, mà phải nhờ các bà mối khăn áo tề chỉnh làm người liên lạc, sang thưa chuyện, thúc dục và làm bạn với bà trên đường đi sang cho khỏi buồn nữa. Càng nhiều bà mối đến hộ tống bà mẹ vợ, thì bà càng thêm kiêu hãnh với hàng xóm, họ hàng. Chẳng thế mà người Nga có câu ngạn ngữ “Chàng rể là cậu con trai yêu quý nhất”.
Ngày thứ bẩy mang tên “Chị, em chồng”. Đối với các nàng dâu Nga, cũng giống người Việt mình, bên nhà chồng khó tính nhất là mấy bà chị, em chồng, nhất là khi các bà ấy mãi vẫn phải ngồi không vò võ một mình, chưa ai đến rước. Ngày thứ bẩy dành riêng để các nàng dâu...lấy lòng các bà cô bên chồng. Nếu các chị em chồng, ai chưa lấy chồng sẽ được mời đến chơi cùng với đám bạn gái thân của mình, ai đã có gia thất thì được mời tất cả gia đình đến chơi. Khi họ về cô dâu mới còn phải chuẩn bị quà cho khắp lượt các bà chị, cô em chồng cùng ngừơi thân của họ.
Trong 7 ngày lễ hội, ngày lễ lớn nhất và cũng là ngày vui vẻ nhất trong cả tuần Maslenitsa là chủ nhật. Ngày chủ nhật còn có tên là “Xá tội”. Mỗi người đều xin những người thân hãy tha thứ cho những gì phiền lòng họ đã gây ra trong suốt cả năm qua, và ngược lại, người ta cũng nói lời tha thứ cho nhau tất cả để trong lòng được thanh thản, để năm mới bắt đầu với một tâm hồn thật nhẹ nhõm.
Khắp nơi người ta nhóm lên những đống lửa lớn, vừa để đốt bù nhìn, vừa để đốt đi những thứ đồ dùng cũ, để một năm mới bắt đầu hoàn toàn mới mẻ, và vui tươi. Xung quanh ngọn lửa trại, mọi người cùng nhau múa hát suốt buổi sáng, ăn bánh Blin nóng hổi và mơ ước tới những ngày xuân ấm áp sắp đến. Trên các quảng trường lớn, trong các công viên, đâu đâu dân chúng cũng múa hát, và đặc biệt nhất, đó là những điệu múa, bài hát dân gian mà dân chúng là diễn viên: họ tự hát, tự nhẩy, tự diễn tấu vui, chứ không phải các tiết mục của các đoàn văn nghệ nhà nghề, không phải những bài hát hiện đại của ngày nay. Trên các đường phố chính những đoàn diễu hành của các bù nhìn rơm, của những nhân vật cổ tích, của những cô gái trong các trang phục dân gian vừa đi vừa biểu diễn. Nhưng không thể thiếu màn biểu diễn vui của các chú gấu trong chương trình, ở đâu không có gấu thì người ta sẽ đóng giả gấu để diễn trò. Gấu không chỉ múa, gấu còn diễn kịch vui và tham gia vật nhau với người nữa. Gấu là biểu tượng của dân tộc Nga. Người nông dân Nga tin rằng gấu có thể chiến thắng được những năng lượng đen tối, có thể chữa được bệnh tật.
Cuối cùng, trước khi giải tán lễ hội, người ta cùng nhau đốt các bà bù nhìn, biểu tượng của mùa đông, tiễn biệt mùa đông ra đi và hẹn đến một năm sau gặp lại. Mùa đông có những ngày lễ thật vui, có những trò chơi thật thú vị, nhưng...mùa xuân, mùa hè, mùa thu của nước Nga vẫn quyến rũ hơn nhiều..
Lan Hương