Iasnaya Poliana
Yasnaya Poliana trong tiếng Nga có nghĩa là "Khoảng rừng sáng" hay "Bãi cỏ sáng giữa rừng". Đó cũng là tên một vùng đất thuộc ngoại ô tỉnh Tula, cách Moskva hơn 200 km về phía tây nam. Hơn một thế kỷ nay, thế giới biết đến cái tên Yasnaya Poliana vì nó gắn liền với tên tuổi của đại văn hào Lev Tolstoy, cây đại thụ trong văn học Nga qua mọi thời đại.
Chỉ cách Moskva 200 km, nhưng Yasnaya Poliana dường như là một thế giới hoàn toàn khác. Cái náo nhiệt, ồn ào của những đô hội, cái hào nhoáng, bóng bẩy của quá trình tư bản hóa nước Nga vẫn còn hết sức xa lạ với vùng đất này. Con đường quốc lộ M2, đường quốc lộ đi về phía Tây –Nam của nước Nga vừa đi vào địa phận của tỉnh Tula đã lập tức thay đổi. Mặt đường bóng loáng trải dài suốt từ Moskva dường như đã quay về thế kỷ 19 với những ổ gà nhấp nhô trên mặt đường. Càng đến gần Yasnaya Poliana đường càng hẹp hơn, nhưng phong cảnh xung quanh càng nhẹ nhàng hơn. Những cánh đồng rộng mênh mông trồng lúa mỳ xen kẽ giữa những cánh rừng thông chen lẫn bạch dương đặc trưng của nước Nga. Thảng hoặc lắm, người ta mới bắt gặp những xóm làng thưa thớt nằm sâu sau những cánh đồng.
Lev Tolstoy trở về sống ở thôn trang Yasnaya Poliana của mình từ năm 1856 cho đến ngày ông quyết định bỏ gia đình, bỏ cuộc sống xa hoa để ra đi sống bình dị như những người nông dân vào đêm 28 tháng 10 năm 1910.
Yasnaya Poliana không phải một kỳ quan về vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng không có những công trình lịch sử đáng được nhắc đến, nó không có cả cái đẹp tuyệt mỹ của những báu vật đáng giá do con người tạo nên. Nhưng ở đây có thật nhiều điều làm người ta cảm động rưng rưng, làm người ta nghiêng mình cảm kính. Đã một thế kỷ nay dòng người từ khắp nơi trên thế giới vẫn không ngừng đến đây chiêm ngưỡng từng gốc cây, đồ vật đơn sơ, tất cả những gì đã gắc bó với cuộc đời của Lev Tolstoy. Một người không chỉ là một đại văn hào nổi tiếng của nước Nga, mà còn là một nhà triết học lớn, một con người có trái tim biết yêu thương tất cả mọi đau khổ của cuộc đời.
1- Ngôi nhà của Tolstoy
Bước vào căn nhà của Lev Tolstoy, người du khách từ xa đến không khỏi đôi chút ngạc nhiên trong lòng vì sự mộc mạc giản dị của từng đồ vật ở đây. Nhưng cũng chính chút ngạc nhiên ấy làm người ta càng cảm động và kính trọng hơn nơi này.
Tolstoy biết thông thạo ba ngôn ngữ chính là Nga, Anh, và Đức. Ngoài ra ông còn biết nhiều ngôn ngữ khác như Ý, Balan, Tiệp, Ả rập, Latinh, Hy lạp...tổng cộng tới 13 ngôn ngữ khác nhau. Trong nhà ông, ngay từ cửa vào trải dài qua các phòng, hành lang, hình ảnh đập vào mắt nhiều nhất chính là sách. Ngoài ra còn có riêng một phòng thư viện chỉ chứa toàn sách.
Thư viện của ông có hơn 10200 cuốn sách. Sách viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, với những chủ đề rất rộng lớn về triết học, sư phạm, lịch sử, nghệ thuật.... Nhưng có lẽ những vấn đề về tâm linh lôi cuốn ông hơn cả. Trong phòng làm việc của ông cất giữ riêng những cuốn sách mang nội dung triết học như sách của nhà tư tưởng Pháp thế kỷ 16 Monten, của các nhà triết học cổ Hy lạp như Platon, của các nhà tư tưởng Trung Hoa như Lão tử, Khổng tử và rất nhiều các cuốn sách về các tôn giáo thế giới như Phật giáo, kinh Coran, Thánh Kinh. Rất nhiều cuốn sách ở đây còn lưu giữ lại những dòng nhận xét của Tolstoy để lại khi đọc. Những người xung quanh ông nhận xét, Tolstoy đọc rất nhiều, và có một trí nhớ rất tốt.
Dạo qua những phòng khác nhau trong ngôi nhà của Tolstoy, người ta cảm thấy một không khí thật bình dị, ấm áp. Một không gian của những cuộc tranh luận, trao đổi và gặp gỡ. Điều đó cũng thật dễ hiểu, bởi trong ngôi nhà này rất nhiều nhà văn, nhà thơ, những người làm văn hóa, nghệ thuật, những nhà chính trị, và cả những con người bình dị khác đã đến đây từ khắp mọi nơi để được gặp gỡ, trò chuyện cùng Tolstoy.
Trong căn phòng lớn nhất của ngôi nhà, nơi vừa là phòng ăn, vừa là phòng khách, cái làm người ta chú ý nhất là hai bức tranh của Tolstoy. Một bức tranh do họa sỹ Kramsky vẽ năm 1873, vào thời kỳ Tolstoy đang viết cuốn tiểu thuyết Anna Katerina. Đó là thời kỳ sung sức nhất của ông trong mọi việc: sáng tác, kinh tế, sức khỏe, nhưng cũng chính là thời kỳ này ông bị rơi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần, suýt dẫn ông tới tự vẫn. Sự đăm chiêu, tư lự, sự trăn trở, bế tắc trong tâm tư ông hiện lên rất rõ trong bức chân dung này.
Bức tranh thứ hai của Tolstoy do họa sỹ Repin vẽ năm 1887, đã là một Tolstoy khác. Vẫn là đôi mắt đăm chiêu đầy suy tư bên bàn viết, nhưng không còn cái bế tắc của thời kỳ trước đây nữa. Đây cũng là lúc Tolstoy quan tâm nhiều đến những vấn đề tâm linh. Oâng đã viết nhiều về cái chết, sám hối, tội lỗi. Đây cũng là lúc tâm tư của ông bị ảnh hưởng của Đạo Phật với thuyết Từ bi. Năm 1986 ông bắt tay viết một bút ký dài mang tên "Phật-đà".
Trong phòng khách còn để hai chiếc dương cầm. Tolstoy và mọi người trong gia đình ông đều hết sức yêu thích âm nhạc. Cô con gái cả của ông nhận xét, Tolstoy có một cảm nhận âm nhạc đặc biệt tinh nhạy. Hồi còn trẻ ông say mê nhạc cổ điển, nhất là nhạc của Shopen. Tolstoy nhận xét, nhạc của Shopen cũng giàu có như thơ của Pushkin. Nhưng càng về già Tolstoy càng yêu thích nhạc dân gian hơn. Oâng bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu về các bài hát và văn học dân gian. Trong các tác phẩm nổi tiếng của ông như "Chiến tranh và hòa bình", "Anna Katerina", "Hạnh phúc gia đình", ông mô tả rất nhiều về văn hóa dân gian và những bài dân ca Nga.
Ngôi nhà của Tolstoy không chỉ gắn bó với cuộc đời của ông, mà còn cùng với các nhân vật đi vào nhiều bộ tiểu thuyết nổi tiếng của ông. Những căn phòng, những đồ vật bình dị từ đời thật đã được Tolstoy mô tả, đưa vào cuộc sống của tiểu thuyết thật sống động.
2- Khu rừng mang thông điệp của hạnh phúc.
Ở cuối con đường trong khu rừng nhỏ ngay cạnh nhà của Tolstoy là nơi Tolstoy nằm yên nghỉ đã gần 100 năm nay. Một ngôi mộ đơn sơ, chỉ có cỏ xanh và những cành thông trang điểm, không tượng đài, không bia đá, không cả những vòng hoa sặc sỡ. Đó là ước nguyện cuối cùng của Lev Tolstoy.
Lúc còn nhỏ, người anh của Tolstoy đã sáng tác ra câu chuyện cổ tích về chiếc gậy xanh mang thông điệp hạnh phúc. Chính ở cuối rừng, có một chiếc gậy xanh đã được bí mật cất giấu. Và những đứa trẻ ngày ấy đã thành thực tin rằng, một ngày nào đó, sẽ có người tìm thấy chiếc gậy xanh, mang lại niềm phúc lạc cho tất cả mọi người. Câu chuyện của trẻ thơ tưởng như chỉ là một giấc mơ đẹp đẽ, nhưng Tolstoy đã nhìn thấy ở đó cái triết lý nhiệm mầu của đời sống: thế giới sẽ được hạnh phúc, khi con người có được cái tâm hồn trong sáng, không vụ lợi của trẻ thơ. Khi về già, Tolstoy đã viết rất nhiều chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn cho trẻ thơ, và ông cho rằng, những gì quý giá nhất trong kho tàng sáng tác của mình chính là những câu chuyện trẻ thơ nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa này chứ không phải những tác phẩm bất hủ mà người đời ca ngợi. Nhiều người gọi ông là ông già lú lẫn. Nhưng thực ra Tolstoy đang đi đến chữ "Xả" của Phật giáo. Ông nhìn thấy cội nguồn của đau khổ xuất phát từ những ham muốn vật chất của con người: ham muốn, dục vọng, lòng tham. Mà những tác phẩm lớn của ông đều đã viết để ca ngợi những ham muốn ấy.
Trong cuộc đời của mình, Tolstoy đã trải qua hai cuộc khủng hoảng lớn. Cuộc khủng hoảng tâm linh khi ông 50 tuổi và cuộc khủng hoảng gia đình vào những năm tháng cuối đời ông.
Cuối những năm 1870, khi Tolstoy đang ở giửa đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác của mình, khi sức khỏe đang sung mãn thì ông lại cảm thấy cái vô nghĩa của đời sống. Sống để làm gì? Cuộc sống của con người có ý nghĩa gì? Những câu hỏi muôn thủa ấy đã dằn vặt và suýt dẫn ông đến tự vẫn. Trong cuộc đi tìm tòi ý nghĩa của cuộc sống ấy Tolstoy đã đi gần đến thuyết từ bi của Đạo Phật, thuyết bác ái của Đạo Chúa, và ông đã xây dựng nên thuyết bất bạo động của mình, nghĩa là không dùng bạo lực để chống trả cái ác. Dưới thời cộng sản, thuyết bất bạo động của Tolstoy thật trái ngược với chủ thuyết chuyên chính vô sản của chính quyền, chính vì thế có rất nhiều tác phẩm của Tolstoy đã bị kiểm duyệt, không được đưa vào tuyển tập các tác phẩm của ông.
Sau cuộc khủng hoảng về tinh thần, Tolstoy quan tâm nhiều đến các học thuyết triết học trên thế giới. Ông tìm hiểu từ Đạo Hồi, Đạo Lão, Đạo Khổng đến Đạo Phật. Khi đã hiểu được niềm phúc lạc của thương yêu, Tolstoy càng thấy xa lạ với đời sống đầy đủ của mình. Ông viết, "đối với tôi cuộc sống điên khùng này thật là một sự hành hạ. Cuộc sống còn hơn cả điên khùng nữa nếu đem ra so sánh với cái nghèo đói trong làng. Sau tất cả những đói nghèo đến mức không biết làm sao để sống sót ấy thật không thể nào ngồi vào bàn ăn với những đồ ăn bằng bặc, với hai người hầu....Thật đáng xấu hổ, buồn tẻ, đau khổ, và cắn rứt trong lòng." Tolstoy rất thương những người nông dân. Ông tổ chức các lớp học cho trẻ con nông dân ngay trong làng Yasnaya Poliana. Tự tay soạn sách giáo khoa dậy chữ cho trẻ con. Ông cũng đã nhiều lần tổ chức cứu đói cho nông dân các vùng khác nhau trong những năm 1893-1896 và 1898. Ngay cả sở thích nghệ thuật của Tolstoy cũng thay đổi vào những năm cuối đời. Ông say mê những giai điệu dân ca Nga, thích những bức vẽ nông dân thuần phác. Trong phòng làm việc của ông những bức tranh quý giá như năm bức phác thảo tranh Đức Mẹ của Rafael bị những hàng sách che lấp, ngược lại những bức tranh phác họa người nông dân ở các góc khác nhau thì được ông nâng niu treo hẳn một góc tường.
Tolstoy muốn hiến tặng tài sản của mình cho nông dân trong vùng, nhưng ông bị gia đình phản đối. Cuộc khủng hoảng trong gia đình kết thúc bằng quyết định bỏ nhà ra đi của Tolstoy. Đêm 28 tháng 10 năm 1910 Tolstoy đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi, để không bao giờ quay trở về nữa. Oâng đã trút hơi thở cuối cùng tại ga xép Astapovo ngày 7 tháng 11 năm 1910, hưởng thọ 82 tuổi.
Nhưng cũng từ đó đến nay, dòng người từ khắp nơi đổ về Yasnaya Polian càng đông hơn. Họ đến để ngắm nhìn nơi mầu nhiệm đã cho ra đời biết bao tác phẩm văn chương tuyệt tác, và quan trọng hơn cả là để hiểu về cuộc đời một con người đã mang bức thông điệp về hạnh phúc từ nơi đây đi khắp thế giới.
Lan Hương